Sự cố mất điện lớn nhất trong lịch sử Mỹ: 50 triệu người Mỹ, Can

Sự cố mất điện lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đã tác động đến một khu vực rộng lớn từ miền Bắc nước này sang miền Nam nước láng giềng Canada hôm 14-8. Theo hãng tin AP, sự cố này xảy ra sau 4 giờ chiều (tức 4 giờ sáng giờ VN), trên phần lớn lãnh thổ bang New York, một số khu vực ở bang New England, sau đó lan sang Ohio và Michigan. Ở Toronto, thành phố lớn nhất Canada, công nhân tháo chạy ra khỏi các cao ốc khi mất điện.

Tình trạng mất điện trên diện rộng cũng được ghi nhận ở Ottawa, thủ đô Canada, và nơi đây cũng đã xảy ra các vụ hôi của. Ước tính khoảng 50 triệu người Mỹ và Canada bị ảnh hưởng bởi sự cố này.


mat-dien-o-New-York_My


Các biển quảng cáo trên Quảng trường Thời đại tối đen do sự cố mất điện tối 13/7. Ảnh: AFP.

 

Theo người phát ngôn của cơ quan quản lý hệ thống điện bang New York, chỉ riêng bang này đã mất 80% lượng điện vì sự cố trên. Cả hai bang New York và New Jersey đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chín lò phản ứng hạt nhân, gồm 6 ở New York, 1 ở New Jersey, 1 ở Ohio và 1 ở Michigan, bị đóng cửa, theo thông báo của Ủy ban Quản lý hạt nhân Mỹ. Sự nghiêm trọng của tình trạng mất điện rõ ràng nhất ở Michigan, nơi theo tuyên bố của thống đốc Jennifer Granholm, khoảng 2,1 triệu khách hàng ở đây sẽ chỉ có thể có điện để dùng trở lại vào cuối tuần. Ngành hàng không Mỹ đã phải ngừng các chuyến bay vào 6 sân bay ở khu vực New York, 1 ở Cleveland và 2 ở Canada khi sự cố xảy ra. Tại thành phố New York, nơi các hệ thống tàu điện ngầm, thang máy, bệnh viện và sân bay hoặc ngưng hoạt động hoặc phải xoay sang dùng nguồn điện dự trữ, thị trưởng Michael Bloomberg nói việc cung cấp điện đang được khôi phục nhưng cho rằng sẽ phải mất nhiều giờ để làm điều này. Ông cũng cho biết 40.000 cảnh sát và toàn bộ cơ quan phòng cháy chữa cháy đã được huy động làm việc suốt đêm để duy trì trật tự.

 

 

Theo đài CNN, một số khu vực ở bang New York và Canada đã có điện trở lại sáng sớm hôm qua, nhưng ước tính còn hơn 15 triệu người Mỹ và Canada vẫn không có điện dùng. Nến và đèn flash là những “nguồn sáng” duy nhất họ có thể dùng. Tuy nhiên, khi tình hình đã cải thiện trở lại, vấn đề tại sao xảy ra sự cố trên vẫn chưa thể giải đáp.

Quang - Phương - Châu

 


TT Bush: Không phải do khủng bố

TT Mỹ George W.Bush và thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg đã loại trừ khủng bố là nguyên nhân của sự cố mất điện nhằm trấn an dân chúng Mỹ vốn vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ 11-9. Tuy nhiên, khung cảnh hỗn loạn sau sự cố mất điện vẫn khiến nhiều người không khỏi liên tưởng đến vụ 11-9: nhiều thành phố chìm trong bóng tối, dân chúng đổ xô ra đường, giao thông tắc nghẽn, hàng ngàn người bị mắc kẹt trên những tuyến tàu điện ngầm hay trong thang máy... Các sân bay chính ở thành phố New York, Detroit và Cleveland đã bị đóng cửa trong nhiều giờ khi các chuyến bay ra vào thành phố Ottawa và Toronto của Canada cũng bị đình trệ. Quân đội Mỹ cũng đã tăng cường các chuyến bay tuần tra ở miền Đông nước Mỹ nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra các vụ tấn công ăn theo sự cố này.

 


Hệ thống điện ở Mỹ hoạt động như thế nào?

Các nhà máy sản xuất điện khắp nước Mỹ kết nối liên thông với nhau thành một hệ thống gọi là hệ thống mạng lưới điện quốc gia. Hệ thống này cho phép các nhà máy điện ở bang này có thể cung cấp điện cho người sử dụng ở một bang khác và các nhà máy điện ở xa có thể “cứu” các bang khác khi cần thiết. Có hơn 6.000 nhà máy điện ở khắp nước Mỹ sản xuất điện từ nhiều nguồn. Từ đây, điện sẽ được đưa lên hệ thống dẫn điện cao thế dài hơn 800.000 km vòng quanh Mỹ, được quản lý bằng 100 trung tâm điều khiển.

Sự cố cúp điện ở Mỹ hôm 14-8 do sự mất điện đột ngột ở khu vực mạng lưới điện liên kết miền Đông, nối liền các khu vực miền Đông Bắc, Tây và Canada. Sự cố xảy ra, theo giáo sư Bruce Wollenberg, Đại học Minnesota, có thể do tình trạng quá tải thường diễn ra vào tháng 7-8 hàng năm. Một nguyên nhân khác là hệ thống tải điện cao thế của Mỹ vốn được thiết kế để đáp ứng nhu cầu chuyển tải điện địa phương, không dùng để tải điện đi hàng trăm ngàn km như hiện nay. Theo những người làm việc lâu năm trong ngành điện Mỹ, do việc bãi bỏ thông lệ ổn định giá điện từ thập niên 1990, các công ty điện ở Mỹ đã ngưng đầu tư duy tu và lắp ráp thiết bị mới cho các nhà máy của họ để tiết kiệm chi phí.


Theo nguồn: https://nld.com.vn

2019-07-15